5 sai lầm các developer trẻ thường mắc phải



 Bài viết này mình dành cho bản thân mình, bạn bè của mình, và các bạn, những developer trẻ đang trên đường xây dựng sự nghiệp.

Người ta thường nói “tuổi trẻ có quyền sai lầm”, nhưng tuổi trẻ là bao lâu thì họ không nói. Đã bao giờ bạn dừng lại và nhìn lại quãng đường bản thân đã đi qua chưa? Nếu chưa thì bạn đã mắc một sai lầm rồi đấy. Tuổi trẻ là tuổi của sai lầm, nhưng nó cũng là thời điểm để bạn sửa sai, bởi có những sai lầm nếu để lâu sẽ chẳng còn cơ hội để sửa nữa.

Sẽ thật tuyệt nếu thanh xuân của bạn có một mentor tuyệt vời, tận tình giúp bạn chỉ ra các sai lầm. Tiếc là không phải ai cũng có một mentor và không phải mentor nào cũng thật lòng quan tâm đến những người trẻ như chúng ta. Còn cách nào khác nữa? Chúng ta phải tự làm mentor của chính mình thôi. Hãy thường xuyên nhìn lại hành trình của bạn để tìm ra những sai lầm, sửa chữa và học điều gì đó từ nó. Mình sẽ giúp bạn đi bước đầu tiên với 5 sai lầm mà mình đã rút ra được từ bản thân, từ việc quan sát những developer trẻ khác xung quanh mình. Để xem bạn có mắc phải cái nào không nhé.

1. Dễ thỏa mãn

Bạn đã bao giờ nhắm mắt copy một đoạn code ở đâu đó trên internet mà không thèm đọc hiểu nó chưa? Rất nhiều developer trẻ quá dễ thỏa mãn, chỉ cần code chạy, hoàn thành task được giao là đủ để họ lên đỉnh.

Tệ hơn nữa là họ viện cớ rằng “mọi người chỉ quan tâm đến sản phẩm, chẳng ai quan tâm đến code mà phải hiểu”, hoặc là “task gấp quá sao mà kịp hiểu”, bla bla. Ngụy biện cả, lý do là họ quá dễ thỏa mãn mà thôi.

Những developer này thường không bao giờ đặt ra các câu hỏi xem rằng code của họ viết ra đã chất lượng chưa, UI họ làm ra có dễ dàng sử dụng hay không, slide họ thiết kế người xem có hiểu được hay không, bài blog này họ viết ra chất lượng thế nào…

Việc dễ thỏa mãn khiến bạn khó có thể làm ra những sản phẩm có chất lượng cao. Lý do là bởi bạn đã thỏa mãn nên bạn sẽ không bao giờ đặt ra các câu hỏi, hay cố gắng cải thiện chất lượng công việc.

À mà cái chữ “họ” ở trên là chính bản thân mình chứ chẳng phải ai khác đâu. Mỗi người đều có những giới hạn thỏa mãn khác nhau, bởi vậy nên mới có việc người này giỏi người kia khá. Cách để chúng ta cải thiện là luôn luôn học hỏi, nâng cao giới hạn hài lòng của bản thân.

2. Không đầu tư cho bản thân

Mỗi sáng bạn đến công ty là bạn đang giúp sếp của bạn giàu hơn một chút, công ty lớn mạnh hơn một chút, nhưng “công ty” của chính bạn thì khả năng cao là vẫn thế, chẳng lớn mạnh hơn tý nào. Biết làm sao bây giờ, cuộc sống là thế mà.

Mỗi sáng việc đầu tiên bạn làm là gì? Thử nghĩ xem việc đó có dành cho chính bản thân bạn hay không hay là dành cho ai đó khác? Mình thì thường check mail xem sếp có nhắn gì hay không, check xem có bao nhiêu task phải làm, code… tất cả đều là làm cho người khác, chẳng có cái nào làm cho bản thân mình cả.

Mình sẽ bỏ qua việc đầu tư cho bản thân thông qua học hành, sách vở. Ý mình muốn nói ở đây là hãy luôn suy nghĩ về công ty của chính bạn, danh tiếng của chính bạn, kiến thức của chính bạn, bởi vì những thứ đó mới là tương lai của bạn.

Những dòng code chúng ta viết ở công ty có giúp gì chúng ta hay không? Có chứ, nó giúp chúng ta kiếm được tiền. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến những dòng code đó thì 10, 15 năm sau chúng ta sẽ chẳng có thứ gì cho bản thân mình cả. Đừng code vật vờ như những bóng ma, hãy đầu tư cho bản thân, suy nghĩ về tương lai, build thứ gì đó cho chính bản thân bạn.

Bạn có thể bắt đầu viết một blog như mình chẳng hạn, mỗi một bài blog mình viết chính là một viên gạch build danh tiếng cho bản thân mình. Ngoài chia sẻ kiến thức với mọi người ra thì mình còn đang xây dựng danh tiếng cho bản thân nữa đấy.

3. Code is everything

Theo bạn thì code có quan trọng hay không? Câu trả lời là có, code rất quan trọng, nhưng code không phải tất cả.

Rất nhiều developer trẻ, đặc biệt là những “thánh code” chỉ quan tâm đến code, code và code. Đây là sai lầm mình rút ra được từ chính bản thân mình của một vài năm trước. Mình từng nghĩ developer thì chỉ cần giỏi code là đủ, vì vậy mình code cả ngày cả đêm, chẳng quan tâm gì đến những kiến thức giá trị khác. Khi đến công ty làm việc mình cũng chỉ cắm mặt vào màn hình, chẳng thèm để ý xem những anh senior làm việc thế nào, thế giới xung quanh ra sao để học hỏi.

Mỗi khi team cần họp, cần thảo luận với nhau thì mình vô cùng khó chịu, mình không muốn nhận góp ý từ người khác bởi vì mình cho nó là vô bổ, thời gian đó để code còn hơn. Ơn trời là mình nhận ra được sai lầm này.

Code sẽ giúp bạn trở thành một developer giỏi kĩ thuật, nhưng nó không thể khiến bạn trở thành một developer tầm cỡ, một kị sĩ biết code được.

Đây là một căn bệnh khó chữa, mình có khá nhiều “thánh code” bên cạnh, mình nhận ra để khiến họ từ bỏ suy nghĩ “code is everything” là một điều vô cùng khó khăn. Thôi kệ họ, nhưng còn bạn thì sao? Hãy tin mình, code không phải tất cả đâu.

4. Quá ngây thơ

Bạn có tin mấy cái vớ vẩn nãy giờ mình nói hay không? Nếu có thì bạn hơi ngây thơ rồi, đừng dễ dàng tin mấy gã trên mạng như thế.

Mình còn là sinh viên, các môn học ở trường thường có yêu cầu mỗi nhóm làm slide, thuyết trình về một chủ đề nào đó cho cả lớp. Mỗi lần thuyết trình là mỗi lần mình nhận ra developer trẻ chúng ta quá ngây thơ, tin người. Nội dung được các nhóm thuyết trình đa số được lấy ở đâu đó trên mạng, do một gã ngáo nào đó viết và không có tý gì chính xác cả.

Câu cửa miệng của chúng ta là “nhưng mà trên mạng nó thế”, giống như mạng là 100% chính xác. Mình từng dành cả ngày để dạy cho một thằng nhóc học lập trình hướng đối tượng, cuối cùng nó chẳng tin mình, một người hết lòng dạy cho nó mà đi tin mấy ông nào đó trên mạng.

Chúng ta thường mặc định thông tin mình đọc được là chính xác mà không kiểm nghiệm lại, điều này vô cùng nguy hiểm. Đâu phải thông tin nào ở trên internet cũng do người có trình độ cao viết, đâu phải sách vở nào cũng đều chứa thông tin chính xác. Đâu phải cái gì lên TV cũng là sự thật. Đúng không?

Không chỉ với internet, bạn cần cẩn thận với mọi thông tin khác mà bạn nhận được, đừng vội tiếp thu nó. Ngay cả với người mà bạn tin tưởng, một blog nào đó toàn viết những bài hay, chính xác chẳng bạn, biết đâu hôm đó tên viết blog bị ny đá rồi viết vớ vẩn thì sao? Biết đâu thằng Sơn the dark knight đang chém gió thì sao?

5. Nói quá nhiều – nói quá ít

Lại thêm một sai lầm mình rút ra từ bản thân mình. Mình từng rơi vào tình trạng nói một mình, nghĩa rằng trong phòng 10 người nhưng chẳng có ai nói gì cả ngoài mình. Mình tự đặt ra câu hỏi rồi cũng tự trả lời luôn. Ngày hôm đó khi về mình đã suy nghĩ lại, “biết đâu những người trong phòng đó có ý tưởng gì hay ho hơn mình thì sao?”, “nếu mình lắng nghe họ nói biết đâu sẽ học hỏi được thứ gi đó mới”…

Đôi khi việc tự cho rằng bản thân biết nhiều thứ, tài giỏi khiến chúng ta muốn chứng tỏ. Còn cách nào hay hơn để chứng tỏ ngoài việc khoe khoang thông qua lời nói? Khi nói quá nhiều, chúng ta sẽ không thể lắng nghe ý kiến, ý tưởng từ mọi người xung quanh. Có nghĩa rằng chúng ta sẽ không học hỏi được gì cả. Nếu có thể, hãy nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn nhé.

Nhưng nếu ngày hôm đấy mình không nói gì thì trong phòng 10 người ai sẽ là người nói? Bởi vì tất cả những người trong phòng đó cùng với mình đều là các developer trẻ, họ mắc một sai lầm ngược lại với sai lầm của mình, đó chính là “ngại nói”. Họ ngại chia sẻ ý tưởng của bản thân, ngại là người tiên phong, họ đang chờ một ai đó nêu lên ý tưởng. Đôi khi việc ngại nói sẽ khiến bạn vuột mất các cơ hội, kĩ năng giao tiếp kém dần, cùng với rất nhiều hệ lụy khác.

Nói nhiều cũng không được, nói ít cũng không xong, vậy thì làm sao? Theo mình, hãy nghe-nói theo hoàn cảnh. Ví dụ như bạn đang trong một cuộc họp nêu ý tưởng cùng đồng nghiệp, hãy nói, hãy chia sẻ ý tưởng của bạn với sếp, đồng nghiệp, bạn không nói thì không ai biết là bạn có ý tưởng đâu. Nhưng nếu bạn đang trong một buổi chia sẻ, nơi có các anh chị kinh nghiệm lâu năm, những người tải giỏi hơn bạn thì hãy ngậm miệng lại và lắng nghe những gì họ nói, bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ từ họ.

Kết

Bạn có dính sai lầm nào trong top 5 mình nêu ở trên không? Hy vọng là không, nhưng mình chắc chắn bạn sẽ có những sai lầm khác. Vì vậy đừng ngần ngại chia sẻ với mọi người ở phần comment nhé.

#ntechdevelopers

Ntech Developers

Programs must be written for people to read, and only incidentally for machines to execute.

Post a Comment

Previous Post Next Post