1. Tập thói quen ghi chép công việc, thành tích của mình
Từ những ngày đầu tiên, hãy tập cho mình thói quen ghi lại những đầu việc bạn đang làm, phương pháp mà bạn áp dụng, và nhất là kết quả, thành tích của các công việc đó. Đầu tiên, chúng sẽ giúp bạn không còn phải lo lắng về buổi đánh giá (performance review) sau kì thực tập hay thử việc, bởi khi đó, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là tổng hợp lại các ghi chép có sẵn mà thôi. Thứ hai, cách này sẽ giúp bạn thấy rõ từng bước những tiến bộ của bản thân, và biết được đâu là thế mạnh của mình.
Hãy ghi tất cả những đóng góp chính mà bạn làm được trong team, những con số, dữ liệu cho thấy thành quả công việc của bạn, cố gắng đừng bỏ qua bất cứ thứ gì dù nhỏ nhặt đến đâu. Để hàng ngày, dù ta có bị cuốn theo công việc trước mắt thì bạn vẫn luôn có những dòng ghi chú để nhận ra, hoá ra mình đã bứt phá và trưởng thành hơn rất nhiều đấy!
2. Đưa ra quyết định, đề xuất dựa trên dữ liệu
Bạn làm gì nếu rất muốn đưa ra một ý kiến, nhưng lại sợ không thuyết phục được cấp trên? Hay bạn từng đưa ra rất nhiều sáng kiến, nhưng cũng bị bác bỏ nhiều lần? Khi đó, data-driven rất có thể là sẽ phương pháp “cứu cánh”, thậm chí thay đổi hoàn toàn công việc của bạn!
Data-driven decision making (DDDM) hay Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, là một quá trình mà ở đó, mọi quyết định được đưa ra đều dựa trên các dữ liệu liên quan (ví dụ dữ liệu từ KPIs, hay các mục tiêu với con số cụ thể; dữ liệu từ việc phân tích các xu hướng và dấu hiệu liên quan; dữ liệu từ các chu kỳ, phiên bản trước đó của sản phẩm,…)
Phương pháp này sẽ giúp bạn tư duy một cách logic hơn, loại bỏ yếu tố cảm tính, cũng như giúp ý kiến của bạn có tính thuyết phục hơn khi trình bày trước cấp trên hoặc khi làm việc nhóm. Vì vậy, hãy học cách đặt và trả lời cho câu hỏi: “Ý kiến này được đưa ra dự trên dữ liệu gì?” nhé.3. Đặt câu hỏi một cách cầu thị
Hiển nhiên, ai cũng biết học đi đôi với hỏi, muốn học được nhiều thì nên hỏi nhiều. Thế nhưng, hỏi thế nào để hiệu quả thì không hề đơn giản. Với người mới đi làm, có hai sai lầm bạn rất nên tránh:
Đừng hỏi khi chưa tìm hiểu gì
Người mới đi làm sẽ dễ mắc lỗi này vì suy nghĩ “mới vào thì không được quyền tìm hiểu sâu”, “hỏi cho đỡ mất thời gian”, hay đơn giản là do… lười. Có thể ở những lần đầu, mentor hoặc người quản lý trực tiếp sẽ giảng giải cho bạn, nhưng về lâu dài, việc này sẽ rất mất thời gian và gây ra tác phong thụ động. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của bạn với đồng nghiệp trong công ty.
Đừng hỏi khi đã có câu trả lời chắc chắn
Ngược lại với trường hợp 1, ở đây bạn đã có sẵn cho mình một câu trả lời rồi, chỉ hỏi lại để cho chắc, nhưng khi đối phương đưa ra một đáp án khác, bạn lại khăng khăng không chấp nhận. Trường hợp này sẽ rất dễ gây mâu thuẫn, thậm chí tranh cãi trong team.
Vậy thế nào là một câu hỏi cầu thị? Hãy đảm bảo bạn đã tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, và luôn trong tâm thế lắng nghe, tiếp thu từ người khác. Bạn vẫn có thể lập luận để phản bác nếu cần, nhưng hãy nhớ rằng mục tiêu cuối cùng chính là “CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG”, chứ không phải là cái tôi của bất kì ai.
#ntechdevelopers #ntech